BÁNH TRÁNG TRONG THỰC ĐƠN NGÀY TẾT

(TNO) Bánh tráng là một món ăn khá phổ biến của người Việt Nam từ xưa đến nay, đặc biệt là trong những ngày tết.

Ngoài các món truyền thống, trong mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà ngày đầu năm mới không thể thiếu những cái bánh tráng nướng. Nó như một sự hiện hữu lòng thảo thơm của con cháu tưởng nhớ ông bà, cha mẹ.

Bánh tráng được làm từ hạt gạo, biểu trưng cho hương vị đồng quê gắn với nghề trồng lúa nước.

Sau khi cúng ông bà, trong bữa ăn ngày tết của mỗi gia đình không thể thiếu món bánh tráng nướng kẹp thịt heo luộc hay bánh tráng nhúng nước cuốn rau sống tươi trong vườn nhà chấm nước mắm nhĩ.

Ngày tết mỗi nhà thường chỉ nấu cơm một lần để cúng tổ tiên ông bà, thời gian còn lại tranh thủ đi thăm bà con, chúc tết. Lúc đi chơi về đói bụng, bánh tráng thịt heo rau sống là món thay cơm. Những lúc nhà có khách, bánh tráng cũng được dọn lên.

Năm nào, con cháu trong gia đình cũng bảo “năm nay, mẹ mua bánh tráng và thịt heo cho nhiều mẹ nhé”. Món bánh vừa nhanh, vừa tiện lại chất lượng cực kỳ, người không ăn cơm nhưng trong bụng vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cần thiết.

Trước tết, bánh tráng như một món quà dân dã. Người nông thôn bọc gói cẩn thận làm quà biếu tặng cho người thân của mình để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Đơn giản nhưng nặng nghĩa tình.

Sau tết, bánh tráng được làm quà mang đi xa, nhất là với những cô cậu sinh viên trọ học xa nhà.

Bánh tráng theo chân những cô cậu sinh viên miền Trung vào Sài Gòn, ra Hà Nội như một món quà quê còn hương vị ngày tết, góp phần động viên tinh thần của những đứa con đi xa cố gắng học hành, làm ăn…

Theo Tấn Trực – Báo Thanh Niên Online